Vài điều đặc biệt về hệ thống xe bus ở Nhật Bản
Cập nhật vào 23/09
Chúng ta đang nỗ lực tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất để thu hút người dân tham gia giao thông bằng xe buýt. Đã có rất nhiều ý kiến của bạn đọc khắp nơi gửi về tòa soạn chia sẻ những bài học và kinh nghiệm của nhiều nơi trên thế giới. Cùng với quan điểm đó, tôi xin nêu một vài đặc điểm về hệ thống xe buýt của Nhật Bản đang hoạt động rất hiệu quả.
1. Phương tiện vận tải: giống y như xe buýt của VN, thậm chí còn ít ghế ngồi hơn. Nửa phía trước xe chỉ có khoảng 10 ghế ưu tiên, còn lại là khoảng trống dành cho mọi người đứng. Khoảng cách giữa các trạm xe buýt cũng giống như ở ta.Tại bất kỳ trạm xe buýt nào cũng gắn bảng thời gian xe buýt đến, những tuyến xe buýt sẽ đi qua.
2. Thời gian hoạt động: từ 6g đến 22g. Giờ cao điểm 8-10 phút có 1 chuyến. Giờ thấp điểm 20-30 phút/chuyến.Thời gian xe buýt tới trạm chính xác đến từng giây.
3. Giá cước: rất đắt. Mua vé 1 tháng hầu như không giảm. 3 tháng thì giảm được không đáng kể. 6 tháng trở lên giảm được khoảng 10%. (Tôi mua vé tháng là 75USD/tháng cho một quãng đường khoảng 3km).
4. Phục vụ: rất chu đáo và lịch sự. Trên xe không có tiếp viên nhưng qua hệ thống loa, hành khách được hướng dẫn rất chu đáo. Bất kỳ hành khách nào khi xuống xe cũng nhận được lời cảm ơn từ bác tài. Bác tài ăn mặc rất lịch sự và gọn gàng.
5. Phương thức thanh toán: tiền mặt, vé tháng và thẻ từ.
Vé tháng: chỉ đơn giản là 1 miếng giấy nhỏ (4x6cm) in tuyến đường đi (từ trạm nào tới trạm nào) và thời gian sử dụng đến khi nào (in chữ lớn).Tên người sử dụng và số tiền in rất nhỏ. Khi xuống xe chỉ cần đưa cho bác tài kiểm tra là xong.
Thẻ từ: khi lên thì cho vào máy quét, khi xuống thì cho vô máy quét 1 lần nữa. Hệ thống sẽ tự động trừ số tiền tương ứng với quãng đường đã đi.
Có 2 hình thức xe buýt: đối với tuyến ngắn tất cả các trạm đều cùng một giá. Hành khách lên xe từ cửa trước, trả tiền trước rồi xuống bằng cửa sau.
Đối với tuyến dài: đi đến đâu trả tiền đến đó. Hành khách đi lên từ cửa sau. Khi xuống thì trả tiền tương ứng với quãng đường đã đi. Đối với hành khách thanh toán bằng tiền mặt thì khi lên lấy số trạm xe buýt từ một máy gắn ở cửa sau. Khi xuống trạm nào thì nhìn lên bảng điện tử gần chỗ bác tài số tiền tương ứng tự động cho vào chỗ đựng tiền của xe buýt. Bác tài chỉ quan sát chứ không cầm tiền. Gần chỗ bác tài có gắn máy đổi tiền lẻ. Hành khách tự đổi tiền và trả tiền chính xác vì không ai thối lại tiền.
6. Quản lý và điều hành: tất cả hệ thống xe buýt đều được quản lý thông qua hệ thống định vị. Xe buýt nào đang chạy ở tuyến nào, sắp đến trạm nào đều được trung tâm quản lý xe buýt thông báo cụ thể đến hành khách. Khi có kẹt xe bác tài sẽ nhận được thông báo và được hướng dẫn đi bằng con đường ngắn nhất khác. Hành khách nào bị lỡ trạm xe buýt khi quay lại sẽ được miễn phí.
Xét về mặt tổng thể thì xe buýt của Nhật Bản ngoại trừ về mặt thời gian thì cũng giống như xe buýt của ta. Vậy tại sao người dân Nhật lại sử dụng xe buýt nhiều đến thế? Tại sao mỗi sáng hay chiều họ cứ phải đứng chen chúc nhau trên những tuyến xe buýt đông người mặc dù họ ai cũng có xe hơi, xe máy?
Tôi có đem câu hỏi này hỏi những đồng nghiệp của tôi và đều nhận được câu trả lời như sau:
1. Tiền gửi xe cá nhân rất đắt. Đối với xe hơi đơn vị tính là phút (1USD/30 phút) mà không dễ gì kiếm được bãi giữ xe.
2. Nếu sử dụng xe buýt đi làm thì mới nhận được tiền trợ giá của công ty
Trên đây là những gì tôi đã gặp và chứng kiến thi tham gia giao thông bằng xe buýt của Nhật Bản. Hy vọng đó cũng là một chút tư liệu ít ỏi để các nhà quản lý và điều hành xe buýt của ta tham khảo.