Tìm hiểu Nhật Bản: Hệ thống văn hóa giáo dục
Cập nhật vào 23/09
Nhật Bản là nước có tỷ lệ người biết đọc biết viết cao nhất thế giới, tới 99% dân số. Người Nhật kể cả tầng lớp lao động ít học cũng hành xử rất có văn hóa. Mọi người nói năng rất lịch sự. Không thấy ai nói tục chửi bậy ở nơi công cộng.
Trên các phương tiện giao thông công cộng, ngoài phố, rất khó phân biệt người giàu người nghèo, vì ai nấy đều ăn mặc đẹp đẽ, lịch sự như nhau, tuy là không ai giống ai. Những người làm cho các công ty thường mặc “com-lê” đeo “cà-vạt”. Giới trẻ ăn mặc hiện đại, nhưng không hề có ai dám tỏ ý phê bình, chê bai, chứ chưa nói là cấm đoán, dù là với bất cứ lý do gì kể cả “thuần phong mỹ tục”. Ai cũng hiểu đó là quyền tự do cá nhân được hiến pháp tôn trọng tuyệt đối. Trong quan hệ giao tiếp, người Nhật thường rất nhún nhường, ít khi nói về mình, về gia đình con cái mình. Đặc biệt họ không bao giờ khoe khoang, nhất là khoe giàu, khoe giỏi hơn người khác, vì họ tránh hết sức lòng ghen tị. Họ đánh giá cao tình hữu nghị lâu dài. Sau khi họ đã tin tưởng bạn, họ giúp đỡ bạn vô điều kiện.
Nói chung học sinh Nhật rất tôn trọng thầy cô giáo và các học sinh lớp trên. Hệ thống tiểu học của Nhật khá nhẹ nhàng, học như chơi. Lên trung học thì bắt đầu căng hơn vì phải học để thi vào các trường cao học (cấp 3) tốt thì mới có cơ may thi được vào các trường đại học tốt. Tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng (như ĐHTH Tokyo, ĐHTH Waseda, v.v.) thì khả năng tìm được việc làm ở các công ty tốt sẽ lớn hơn. Vì thế học sinh Nhật cũng “học thêm” ở các trung tâm luyện thi bên ngoài. Nhưng những thầy dạy ở các trung tâm “học thêm” đó tuyệt đối không được dạy tại các trường học chính quy. Hoàn toàn không có việc một thầy (cô) giáo sáng dạy chính khóa, chiều lại dạy “thêm” cho chính học sinh lớp mình. Giáo giới được xã hội rất tôn trọng, và được trả lương khá cao, tăng lương định kỳ, và được tiền thưởng hàng năm bằng 5 tháng lương.
Sách vở, thiết bị phục vụ cho việc học ở Nhật rất đẹp, hiện đại và đầy đủ. Lớp học thường được trang bị các phương tiện nghe nhìn như truyền hình, video, v.v. Đặc biệt các môn ngoại khóa rất đa dạng. Tất cả học sinh từ trung học trở lên đều tham gia hoạt động ngoại khóa tại các câu lạc bộ khác nhau (âm nhạc, hội họa, thể thao: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng chầy, tennis, cầu lông, bơi, judo, karate, aikido, kiếm thuật, bắn cung, v.v.). Tất cả đều được trang bị rất chuyên nghiệp và luyện tập hàng ngày (Người Nhật đã làm gì thì thích làm rất “chuyên nghiệp”, ít nhất là về trang bị dụng cụ.).