Skip to content

Học ở Singapore, những điều tôi thấy …

Cập nhật vào 10/05

Bắt đầu từ lời mời của Tổng cục du lịch Singapore, tôi có mặt trong đoàn phóng viên và nhà giáo dục quốc tế trong chuyến đi thực tế nhằm tìm hiểu hệ thống giáo dục và đào tạo ở đất nước này. Màu xanh cây cối bao trùm quốc đảo là hình ảnh đầu tiên cũng như sau chót nhìn thấy từ trên máy bay mang lại cảm giác thật bình yên. Nhưng ấn tượng hơn hết, có lẽ là những điều thú vị tôi thu nhận được trong suốt gần 1 tuần ghé thăm các trường học trên đất nước xinh đẹp này.

Những ngôi trường đẳng cấp quốc tế

Tới thăm Trường ĐH quản lý Singapore (Singapore Management University – SMU), tôi được cô bạn Phan Cẩm Vân hiện đang học tại đây dẫn đi một vòng dạo… mỏi chân xung quanh ngôi trường bao gồm 4 trường nhỏ: Trường Kinh doanh Lee Kong Chian, Kế toán, Hệ thống thông tin, Kinh tế và khoa học xã hội rộng tới 4,5 héc-ta này.

Các trường đại học lớn của Singapore đều được đặt khá xa khu trung tâm, nhưng riêng SMU muốn tạo lập lợi thế cho trường và cho SV của mình bằng vị trí ngay ở trái tim thành phố, gần khu thương mại, văn hóa, nghệ thuật. Theo ông Darran Hanson, trợ lý giám đốc phòng hợp tác truyền thông của trường, vị trí “đắc địa” này giúp SV có thêm cơ hội trau dồi, tiếp cận với các hoạt động sinh động của nền kinh tế – xã hội, khiến kiến thức nhanh chóng trở thành kỹ năng, kinh nghiệm. SMU được xây dựng theo mô hình Trường đại học Pennsylvania của Mỹ. Năm học 2000 – 2001 mới chỉ có 306 SV thì năm 2006 đã thu hút tới 3.800 SV. Những SV SMU 100% tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp 6 tháng, 65% được các công ty “chọn mặt gửi vàng” khi chưa tốt nghiệp, và tới hơn 75% nhận được trên 2 lời mời làm việc khi vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường.

Vừa đi, vừa giới thiệu về trường… trong chiếc áo sơ mi và váy sẫm màu bó sát, trông tác phong của Cẩm Vân thật chuyên nghiệp. Cô bạn cười giải thích: “Những dịp quan trọng, ví dụ như lên thuyết trình, bọn mình phải mặc trang phục rất nghiêm túc, giày bít ngón… còn bình thường lên lớp thì rất thoải mái, đi dép xỏ ngón cũng chẳng sao. Thư viện rất nhiều sách, mượn thoải mái nhưng phải trả đúng hẹn, nếu không sẽ bị phạt. Khi làm dự án theo nhóm, cần những phòng họp nhỏ làm nơi thảo luận thì phải đặt phòng từ trước, chính xác tới từng giờ sử dụng… Mỗi môn học trên lớp chỉ 3 giờ/tuần nên tự học vẫn là chính. Môi trường học tập vừa nghiêm túc, vừa thoải mái ấy rèn luyện cho bọn mình tác phong làm việc theo kế hoạch vạch sẵn, chính xác mà vẫn linh động”. Hỏi về chi phí học tập tại đây, Cẩm Vân cho biết: “Học phí của trường là khoảng trên 5.000 đô-la Mỹ/năm, sinh hoạt khoảng 400 đô-la Mỹ/tháng. Hiện mình đang thuê nhà ở gần trường, là khu trung tâm nên hơi đắt, nhưng tiện cái là chỉ đi bộ 10 phút đã tới trường. Còn nếu muốn thuê rẻ hơn, tất nhiên nên tìm nhà xa hơn, và đi lại bằng tàu điện ngầm cũng rất thuận tiện”

Cảm giác thật bất ngờ khi tôi gặp “Góc Việt Nam” tại thư viện của học viện Hwa Chong (Hwa Chong Institution). Những bức ảnh về con người, sinh hoạt, lễ hội của Việt Nam được phóng to dán trên tấm bảng lớn, bên cạnh là một chiếc bàn bày những quyển sách về Việt Nam cùng với sách về những nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Hwa Chong dành cho HS từ 13 – 19 tuổi, tọa lạc trên diện tích rộng tới 72 héc-ta, trong khuôn viên có cả một sân vận động. Thu hút nhiều HS quốc tế là một đặc điểm nổi bật của học viện Hwa Chong. Có tới 2.000 HS hiện đang học tập tại Trường Quốc tế (International school) của học viện, trong đó tới 50% đến từ nước ngoài. Một số HS Việt Nam cũng đang học tập tại đây. Danh tiếng của học viện Hwa Chong còn được biết đến với ban cố vấn quốc tế với 2 người từng đoạt giải Nobel, những giáo sư danh tiếng từ các trường Havard, Princeton, Cambridge… Có tới 46 HS của trường được nhận học bổng của Tổng thống, 7 trong số 15 HS Singapore tham gia kỳ thi Toán và khoa học quốc tế 2005 là từ Hwa Chong, 9 HS mang về 6 huy chương tại SEA Games 23…

Rời Singapore, cây xanh theo những con đường đưa tôi ra sân bay Changi. Đang là tháng 7, hoa tường vi, hoa giấy sắc trắng, sắc hồng nở dọc trên dải phân cách. Bác tài vui chuyện kể về loại cây được trồng nhiều nhất khắp trên các đường phố trên đất nước này. Đó là “cây mưa” (rain tree), ban ngày lá xòe rộng ra che nắng, còn khi mặt trời lặn thì lá cụp xuống, vì thế ánh đèn đường ban đêm ít bị cản lại hơn, đảm bảo ánh sáng ở mức tốt nhất cho xe cộ lưu thông! Có lẽ bên cạnh những điều bổ ích thu nhận được trong những ngày qua, tôi sẽ rất nhớ loài cây đặc trưng của đường phố Singapore này. Đồng bằng sông Cửu Long cũng có lác đác loại “cây mưa”, bà con ta gọi là cây còng.

——————-

Từ lâu, Singapore đã được biết đến như một thành phố năng động giàu sự tương phản và màu sắc, với sự pha trộn hài hòa về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực… tọa lạc ở vị trí thuận lợi ngay trung tâm khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của Singapore Education, dân số Singapore là 4,16 triệu người, trong đó có 3,38 triệu người là công dân Singapore, số còn lại chủ yếu là người ngoại quốc đang làm việc và học tập tại đây. Singapore đã được xây dựng thành một trung tâm học tập hàng đầu trong khu vực. Trong bản báo cáo so sánh toàn cầu 2003 – 2004, Singapore được đánh giá cao nhất trong số 102 quốc gia về chất lượng giáo dục về toán học và khoa học. Hệ thống giáo dục song ngữ, với tiếng Anh là ngôn ngữ chính ở trường học… Đó chính là nguyên nhân vì sao Singapore ngày càng được nhiều du học sinh HS trong khu vực cũng như Việt Nam chọn là điểm đến trên con đường học vấn, nơi đặt những viên gạch lát vững chắc cho sự nghiệp tương lai của mình. Singapore đã thu hút 70.000 SV quốc tế đến từ trên 70 nước.

Đánh giá ngay
Back To Top