Những lỗi cần tránh với học sinh chuẩn bị đi du học
Cập nhật vào 11/09
Để rút ngắn thời gian hòa nhập này cũng như vượt qua nó một cách dễ dàng, theo kinh nghiệm của nhiều cựu du học sinh, du học sinh Việt Nam cần tránh những lỗi được coi là “quán tính”, do đã quen khi còn ở trong nước.
Do mỗi nước có một phương pháp giảng dạy khác nhau nên khi ra nước ngoài, du học sinh phải tìm hiểu kỹ để có sự thích ứng nhanh chóng. Thường phải mất một học kỳ hoặc cả năm học, du học sinh mới có thể hòa nhập được vào môi trường mới ở nước sở tại về sinh hoạt trong cuộc sống cũng như phương pháp học tập… Để rút ngắn thời gian hòa nhập này cũng như vượt qua nó một cách dễ dàng, theo kinh nghiệm của nhiều cựu du học sinh, du học sinh Việt Nam cần tránh những lỗi được coi là “quán tính”, do đã quen khi còn ở trong nước.
Cứ học theo cách cũ
Nội dung chính trong bài
Kim Ngân, đang học thạc sĩ ngành marketing và quản lý tại New Zealand, cho biết: Cách học ở New Zealand khác nhiều so với Việt Nam. Thời gian lên lớp không nhiều, chủ yếu đòi hỏi sự tự học. Nhiều bạn cứ thấy thầy cô không kiểm tra, không nhắc nhở cứ tưởng là việc học quá nhẹ nhàng nhưng đến kỳ kiểm tra thì bắt đầu thấy đuối. Thật ra, lượng kiến thức và bài vở rất nhiều, nếu không chịu khó đọc thêm tài liệu để nắm vững kiến thức thì sẽ rất dễ mất phương hướng và gặp nhiều khó khăn trong những kỳ thi học kỳ.
Đặc biệt là, theo Hồng Hạnh, cựu du học sinh New Zealand, hiện đang làm việc ở một ngân hàng: Thầy cô rất thích những ý kiến trái chiều; càng khác lạ, độc đáo càng được đánh giá cao. Nhiều bạn cứ nghĩ nói theo thầy cô sẽ được điểm cao. Nhưng thực tế là bài thi nếu cứ nói càng khác thầy cô càng tốt càng có điểm cao vì họ khuyến khích mỗi cá nhân có suy nghĩ độc lập.
Theo Đình Ân, cựu du học sinh Mỹ, có một lỗi mà du học sinh cần tránh là khi làm bài hay suy nghĩ bằng tiếng Việt và dịch sang tiếng Anh, logic đó khiến thầy cô không hiểu. Kinh nghiệm của Đình Ân là khi viết tiếng Anh cần phải tập suy nghĩ bằng tiếng Anh.
Bài làm toàn hỏi “cụ” Google
Một số du học sinh do không biết nên đến kỳ thi cứ thoải mái tra Google và chép vào bài làm của mình, coi như sản phẩm của mình mà quên rằng các trường trên thế giới rất dị ứng với nạn “đạo văn”. Họ sẽ xử rất nghiêm những trường hợp này. Có trường còn có hệ thống “quét” bài làm. Nếu bài làm có phần nào chép từ Google là họ sẽ dò ra ngay. Dĩ nhiên, khi đó sinh viên sẽ bị đánh rớt môn học. Nhiều trường ĐH trên thế giới còn đặt “đạo văn” thành vấn đề đạo đức trong học thuật và có luật lệ hẳn hoi để giáo dục sinh viên.
Chỉ lo học và làm thêm
Hồng Hạnh cho rằng nhiều sinh viên Việt Nam khi du học do xót tiền của cha mẹ bỏ ra nên chỉ tập trung vào việc học hoặc đi làm thêm để có thêm tiền sinh hoạt mà quên chú ý một hoạt động rất được nước ngoài đánh giá cao là những hoạt động cộng đồng, từ thiện. Hoạt động cộng đồng không chỉ có lợi cho quá trình phỏng vấn xin việc sau này mà thực sự khi tham gia, sinh viên sẽ tích lũy nhiều kinh nghiệm, vốn sống và trưởng thành hơn. Vì nhiều kỹ năng sống sẽ không thể học trong trường ĐH.
Nhiều đơn vị tuyển dụng sẽ chú ý đến hồ sơ ứng viên có nhiều hoạt động xã hội bên cạnh bảng điểm đẹp. Hơn nữa, khi tham gia những chương trình ngoại khóa sẽ giúp du học sinh trở nên tự tin, giảm bớt căng thẳng trong học tập, có nhiều bạn bè từ nhiều quốc gia và phần nào xoa dịu nỗi nhớ nhà và cảm giác cô đơn.
Cuối cùng là nên học theo nhóm. Đây là cách phổ biến ở nước ngoài. Nhưng du học sinh Việt Nam thường chưa quen làm việc nhóm. Cứ làm việc cá nhân thì đạt điểm cao, mà làm việc nhóm thì gặp trục trặc, trong khi kỹ năng này rất cần thiết không những đối với quá trình học ĐH mà còn trong quá trình ra trường làm việc sau này.
Gian lận thi cử: Điểm trừ của du học sinh Việt Nam
Có lẽ, điểm trừ “xấu xí” nhất mà một vài du học sinh Việt mang theo trong hành trang học tập của mình ở nước ngoài chính là… gian lận. Dường như đây là hệ quả tất yếu xuất phát từ việc thiếu hòa nhập với môi trường xung quanh, khả năng tiếp thu bài học không cao hay tình trạng trốn học thường xuyên dẫn đến việc không thể nắm bắt được kiến thức.
Do đó muốn có thể vượt qua các kì thi, các du học sinh này đã phải gian lận mới hi vọng có thể hoàn thành chương trình học. Nhất là hiện nay, khi các phương tiện kĩ thuật số đang ngày càng phát triển, những chiêu trò lại càng được sử dụng nhiều hơn với những cách thức thật tinh vi! Có nhiều lý do để các bạn trẻ phải dùng đến “thủ thuật” trong học tập, nhưng dù thế nào thì đó cũng là điều chẳng hay ho gì, nhất là khi bạn đi du học.
Du học úc với học bổng toàn phần, vì gia đình không có điều kiện nên M.N (22 tuổi) rất cố gắng.Vừa học hành chăm chỉ vừa tranh thủ làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và có thể phụ giúp gia đình. Nhưng cũng vì mức hỗ trợ tài chính dựa trên điểm trung bình học tập, dù đã cố gắng phân bố thời gian học và làm thì N cũng rất lo sợ bị mất học bổng. Vì thế, “đôi khi tôi cũng phải gian lận trong một vài môn học mà tôi không tự tin” – N nói!
Cuộc sống xứ người vốn đã đầy những vất vả, khó khăn; học và thành danh nơi nước bạn càng không dễ. Nhưng dù với lí do gì thì việc gian lận trong học tập cũng đều là điểm trừ nặng, đặc biệt khi đó là những người Việt mang theo hy vọng, công sức và tiền bạc của gia đình, xã hội mà đi du học. Cầm tấm bằng về nước với những điểm số chẳng phải của mình, chắc hẳn những du học sinh đó sẽ cảm thấy áy náy.