Skip to content
Những thăng trầm tâm lý du học sinh nào cũng trải qua

Những thăng trầm tâm lý du học sinh nào cũng trải qua

Cập nhật vào 16/02

Khi tôi học Đại học trong nước, các thầy thường nói vui rằng, cuộc sống của sinh viên xoay quanh những chữ “mật”. Từ thân mật, bí mật, trăng mật cho đến vỡ mật.  Với bất cứ một sinh viên nào thì trường Đại học luôn cho họ những thay đổi lớn về suy nghĩ cũng như các mối quan hệ. Thăng trầm trong tinh thần là chuyện đương nhiên. Với du học sinh, điều này còn diễn ra mạnh mẽ hơn.

Khi tâm lý ngập tràn niềm vui và hạnh phúc

Đây là lúc bạn nhận được thông báo trúng tuyển đi du học đến một đất nước nào đó. Đặt chân xuống máy bay là một nơi hoàn toàn mới lạ. Phong cảnh, con người, món ăn… tất cả đều hấp dẫn bạn. Ngôi trường mà bạn sẽ học có nhiều người bạn đến từ các đất nước khác nhau. Phía trước bạn là chân trời của tương lai tươi sáng.

Ôi! Điều đó hạnh phúc nhường nào. Những người thân sẽ thường xuyên nhận được cuộc điện của bạn với giọng nói ngập tràn hạnh phúc và hăm hở khám phá. Facebook hay blog cá nhân tưng bừng những bức ảnh selfie liên tục được update. Bạn khiến cho nhiều người thật ghen tị. Và thế là bạn thấy mình như người hạnh phúc nhất trên cuộc đời này. Nhưng khoảng thời gian hạnh phúc ấy sẽ nhanh chóng qua đi để tinh thần bước sang một giai đoạn mới như những nốt trầm trong cuộc sống hiện thực.

Khi tâm lý thay đổi, bạn bắt đầu “nhận ra” nhiều điều

Đó là khi bạn bắt đầu tạm biệt những ngày ăn chơi nhảy múa- gọi là khâu làm quen để sống cuộc sống thực sự của một sinh viên. Hàng loạt những vấn đề mà nhiều du học sinh gặp phải chính là: Khó khăn về ngôn ngữ khi giao tiếp. Mặc dù bạn được trang bị cơ bản về vốn tiếng, nhưng khi tiếp xúc với người khác bạn thấy ngôn ngữ mình học được sao mà lạc lõng. Đặc biệt, những giờ ngồi dưới hàng ghế hội trường, nghe giảng viên thuyết trình đề tài khoa học với cách nói “nhanh như gió”, bạn sẽ thực sự choáng váng.

Những thăng trầm tâm lý du học sinh nào cũng trải qua

Ngoài ra, các du học sinh còn nhận ra một điều là thời gian sinh hoạt không giống bên nước mình. Những món ăn ban đầu có chút lạ lạ, hay hay nhưng lâu dần sẽ khó hợp khẩu vị. Văn hóa sống của mỗi nơi khác nhau. Bạn nhận ra sự cô đơn và nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương da diết.

Xem thêm

Tiếp tục hành trình, tâm lý dần chấp nhận và thay đổi

Nếu bạn không thay đổi, đồng nghĩa bạn bị đào thải khỏi môi trường sống và học tập. Trở về khi chưa lĩnh hội được gì chính là thất bại. Do đó, con đường duy nhất chỉ có thể là cố gắng, chấp nhận và tiến lên. Các du học sinh, sau một thời gian sinh sống dần vững hơn trong ngôn ngữ, họ có thể giao lưu và nhanh chóng hòa nhập. Các mối quan hệ trường lớp giúp các bạn năng động và mạnh mẽ hơn. Công việc làm thêm giúp du học sinh tăng thu nhập và có thể hiểu hơn về văn hóa sống của mọi vùng miền. Họ thấy quen thuộc hơn với cách sống này. Và tất nhiên, kinh nghiệm sống được tích lũy và khiến họ biết yêu những gì mình đã và đang trải qua. Việc học hành thi cử không còn làm khó được các bạn. Rồi mọi người sẽ thấy, những cuộc gọi điện về cho gia đình sẽ thưa hơn, những bức ảnh ít dần. Đơn giản vì cuộc sống và học tập quá bận rộn.

Những thăng trầm tâm lý này bất cứ du học sinh nào cũng trải qua. Tuy nhiên, đừng bị động để đón nhận điều đó. Trước khi lên máy bay nên trang bị cho mình những kinh nghiệm này để có thể vững vàng vượt qua những khó khăn ban đầu để xây dựng một tương lai tươi bền vững, bạn nhé!

Đánh giá ngay
Back To Top