Anh có phải điểm “lý tưởng” để học nhạc?
Cập nhật vào 16/02
Du học bài bản ngành âm nhạc đừng bỏ qua đất nước Anh. Tại đây bạn sẽ được đào tạo với chương trình học phong phú và có nhiều cơ hội nâng cấp kỹ năng và trải nghiệm bản thân mình trong một môi trường chuyên nghiệp.
Các chương trình học phong phú
Tùy thuộc vào mục đích và định hướng bản thân mà bạn có thể chọn học các chương trình cấp bằng ở trường nhạc (Conservatoire) hay trường Đại học (University and college). Nếu các khóa học ở trường nhạc sẽ cho bạn nhiều cơ hội phát triển các kĩ năng thực hành, biểu diễn thì các chương trình Đại học lại tập trung nhiều vào khía cạnh hàn lâm, học thuật.
Việc học nhạc ở Anh khá đa dạng về cấp độ, điều này cho phép bạn theo học bậc dự bị Foundation, các chương trình hướng nghiệp cao cấp quốc gia HNC, HND, DipHE, CerHE hay các chương trình Cử nhân và Sau cử nhân. Và tất nhiên yếu tố ngành học cũng rất quan trọng. Yên tâm là bạn có thể học hầu như bất cứ ngành nào tại đây, cả học ngành đơn đến ngành kép: soạn nhạc, nhạc cụ (kèn bass, guitar, piano…) thanh nhạc, sản xuất âm nhạc, nhạc điện tử, báo chí âm nhạc…
Bạn có thể tìm hiểu các khóa học âm nhạc qua trang web của UCAS (cơ quan phụ trách việc nộp đơn vào các trường Đại học của chính phủ Anh) hoặc các khóa học ngành Âm nhạc tại Anh trên Hotcourses với thông tin cụ thể về yêu cầu đầu vào cho sinh viên quốc tế, học phí và sơ lược chương trình học.
Để được vào học các khóa Cử nhân ở trường Đại học, ứng viên thường được yêu cầu phải sở hữu tấm bằng A-level chủ yếu ở các ngành Lịch sử, Tiếng Anh. Bên cạnh đó, một số trường lại đòi hỏi bạn phải có bằng A-level các môn Toán, Tiếng Pháp và Vật lý. Vì tiêu chí tuyển chọn giữa các trường có sự khác nhau nên bạn cần vào trang web của trường để tìm hiểu cụ thể. Về tiếng Anh, ứng viên thường phải đạt IELTS 6.0 trở lên để theo một khóa học nhạc bậc đại học tại Vương quốc Anh.
CƠ HỘI “NÂNG CẤP” KĨ NĂNG VÀ TRẢI NGHIỆM
Một tấm bằng âm nhạc thường mang lại cho bạn nhiều kĩ năng quan trọng cho công việc sau này, và đây cũng chính là những kĩ năng bạn nên khéo léo “khoe” vào CV của mình. Những kĩ năng này có thể được chia thành hai nhóm là kĩ năng chung và kĩ năng chuyên biệt:
Kĩ năng chung: phân tích, viết lách, truyền thông, thuyết trình, thảo luận, tin học (để sử dụng các phần mềm tiện ích trên máy tính).
Kĩ năng chuyên biệt: tập trung, ghi nhớ, trình bày quan điểm, kết nối với khán giả, tổ chức, quản lý (tự quản lý chính mình – đối với những người muốn hoạt động freelance hay mở các công ty âm nhạc thì đây là một kĩ năng rất quan trọng) và cả kĩ năng sư phạm.
Ngoài ra, trong quá trình học bạn cũng có thể được học thêm các nhóm môn học (module) về công nghệ âm nhạc hay thương mại trong âm nhạc. Những kĩ năng liên quan đến công nghệ giúp bạn sử dụng các sản phẩm công nghệ để viết nhạc, thu âm… cũng rất quan trọng.
Việc tham gia nhiều các chương trình giao lưu, trao đổi đa văn hóa ở nước ngoài hay các chương trình phục vụ cộng đồng trong quá trình du học cũng sẽ là điểm cộng lớn cho CV của bạn. Để trở thành thành viên trong các dàn nhạc hay nhà hát, bạn thường sẽ phải trải qua một thời gian thử việc, tuy thế bạn vẫn sẽ được trả thù lao khi tham gia vào các buổi hòa nhạc. Một phương án quá tốt cho CV, kinh nghiệm biểu diễn và cả túi tiền phải không?
ĐA DẠNG HƯỚNG ĐI SAU KHI RA TRƯỜNG
Nếu dịch sát nghĩa thì “musician” sẽ tương đương với nghĩa nhạc sĩ trong tiếng Việt, nhưng trong tiếng Anh, người ta vẫn có thể dùng từ này để chỉ một người chơi nhạc cụ (guitarist, pianist…), ca sĩ, hay một nhà soạn nhạc. Thế nên, có thể tạm gọi những người học nhạc là những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc.
Họ có thể thực hiện các tác phẩm âm nhạc của mình trong studio hay biểu diễn trực tiếp, biểu diễn riêng lẻ (soloist) hay tham gia vào nhóm nhạc.
Những nghề nghiệp bạn có thể trở thành với một tấm bằng âm nhạc là âm nhạc trị liệu, nhạc công, giáo viên âm nhạc, người tham gia các hoạt động nghệ thuật cộng đồng, quản lý dịch vụ khách hàng, trợ lí biên tập, nhà tổ chức sự kiện, kỹ thuật viên âm thanh/phát thanh truyền hình/điện ảnh…
Xem thêm:
Thị trường âm nhạc Việt Nam muôn hình vạn trạng và không hề thiếu những lối đi riêng, đặc biệt là cho những người được đào tạo bài bản. Chẳng hạn như MC Anh Tuấn nổi tiếng với vai trò dẫn chương trình của các gameshow về âm nhạc đã từng học ở Nhạc viện Hà Nội và du học tại Úc hay nhạc sĩ Quốc Trung, ngoài công việc sáng tác còn là nhà sản xuất âm nhạc và hòa âm phối khí. Nếu được học về thanh nhạc ở nước ngoài, bạn có thể về nước tham gia các chương trình tìm kiếm ca sĩ như The Voice, Vietnam Idol chẳng hạn. Còn nếu là một người học chơi nhạc cụ, bạn cũng hoàn toàn có thể nghĩ đến việc thành lập ban nhạc của riêng mình. Showbiz Việt không nhiều ban nhóm nhạc biết chơi nhạc cụ, hãy tận dụng lợi thế của bạn!