Du học sinh khi về nước khởi nghiệp có thuận lợi gì?
Cập nhật vào 16/02
Bạn cảm thấy khó khăn vì sau khi du học không biết nên ở lại hay trở về? Bạn băn khoăn nên tìm việc gì để làm? Một gợi ý cực hay cho các du học sinh, đó là hãy khởi nghiệp tại chính đất nước mình. bạn sẽ thấy thuận lợi vô cùng.
1. Kiến thức sâu
Được học tập ở nước ngoài với môi trường đào tạo bài bản, nội dung chương trình hiện đại, phương pháp học tiên tiến, đội ngũ giảng viên tâm huyết và chuyên môn cao, các du học sinh tốt nghiệp có trình độ chuyên môn, kiến thức sâu. Ở bất kì quốc gia nào cũng cần những người có kiến thức, kinh nghiệm từ nhiều ngành nghề khác nhau để phát triển nền kinh tế. Vì vậy, đây là lợi thế lớn của các du học sinh khi về nước khởi nghiệp.
2. Tự tin
So với cuộc sống bao bọc của gia đình, du học sinh phải tự xoay xở và sống độc lập từ sớm. Chưa kể đến môi trường học tập yêu cầu tư duy độc lập, kinh nghiệm làm việc thực tế buộc bạn phải học hỏi và trải nghiệm nhiều. Những năm tháng học tập ở nước ngoài sẽ tôi luyện kinh nghiệm quý giá khiến bạn trưởng thành và tự tin hơn trong mọi hoàn cảnh.
Cao Phương Hà, cựu sinh viên đại học Havard, hiện đang là tổng giám đốc Street job Việt Nam tâm sự điều chị học được trong những năm tháng du học chính là thái độ “Can-do attitude”, một sự tự tin nhất định ở bản thân. Không phải kiến thức trên ghế nhà trường hay kinh nghiệm làm việc mà chính sự tự tin tạo cho chị bản lĩnh dám nghĩ dám làm, từ đó đưa ra được những giải pháp cho một vấn đề nan giải.
Anh Hồ Quang Khánh, CEO “Cùng mua” chia sẻ: “Ăn thua vẫn là liều, bây giờ có học bằng MBA hay bằng nọ bằng kia, học càng nhiều thì phân tích càng nhiều, phân tích càng nhiều thì càng khó làm”. Nhưng cũng cần lưu ý “điểm quyết định sự thành công là ở sự tự tin, nhưng tự tin một cách thái quá thì cũng khó hòa nhập”.
3. Suy nghĩ độc lập
Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong phương pháp học tập khi đi du học và học tại Việt Nam. Một trong những điểm khác biệt là sinh viên được yêu cầu tự làm việc và phân tích độc lập. Chẳng hạn, khác với ở Việt Nam, các giáo sư luôn muốn học sinh tự tìm hiểu và phát triển ý tưởng của bản thân nên để giao bài tập nhóm trước. Khi vấp phải vấn đề và đã thảo luận nhóm cặn kẽ, giáo sư mới giải đáp và hệ thống toàn bộ kiến thức chính. Cách học này nhớ bài rất lâu và giúp sinh viên biết vận dụng kiến thức vào thực tế.
Anh Lê Trí Thông, phó tổng giám đốc ngân hàng Đông Á, cựu du học sinh Oxford cho rằng du học không chỉ là kiến thức mà chính là cách suy nghĩ, tiếp cận vấn đề một cách đa chiều và dung hòa, cởi mở. Ở Việt Nam không khuyến khích suy nghĩ độc lập và phát triển cá tính con người, nhưng ở nước ngoài lại rất khuyến khích điều đó. Việc này giúp anh nhận ra không chỉ có một lời giải duy nhất đúng sai hoàn toàn cho một vấn đề. Quan trọng là cách làm sao để dung hòa các lời giải và tìm cách giải quyết hiệu quả nhất
4. Góc nhìn mới
Đi du học, du học sinh sẽ có dịp trải nghiệm nền văn hóa của nhiều quốc gia từ các sinh viên quốc tế, mở rộng mối quan hệ và học cách làm việc trong các doanh nghiệp toàn cầu. Họ cũng có một thuận lợi là được tiếp xúc với những sản phẩm, dịch vụ ở các nước phát triển mà người Việt ở trong nước đang cần. Chính vì nhìn thấy khoảng khác biệt này đã giúp họ thấy được tiềm năng của những sản phẩm đó.
Khóa học “Tôi tài giỏi” chẳng phải là phiên bản Việt của khóa học “I’m gifted” trên thế giới đó thôi. Hay, với kinh nghiệm học tập và làm việc trong môi trường quốc tế, một nhóm bạn đã nhìn ra tầm quan trọng của ngoại ngữ và khả năng hòa nhập trong môi trường làm việc quốc tế mà thành lập khóa học Istart Academy.
Chị Trương Thanh Thủy, CEO Greengar, cựu du học sinh Mỹ đã học được cách nhìn hoàn toàn mới từ những người bạn quốc tế của mình khi đi du học. Chẳng hạn “khi bạn định làm một điều gì đó và một người chạy đến nói với bạn “Đã có người khác làm trước cậu rồi”, thường các bạn Việt Nam sẽ lo lắng, nhưng với những bạn được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường Mỹ thì sẽ có mong muốn làm tốt hơn nữa”.
Chị Thủy cũng nghĩ những người đánh giá thấp mình là cần thiết vì người ta cho mình thấy được thực tế. Không phải ai cũng có cái nhìn này. Người khác chỉ có thể đánh giá thấp về mình khi người ta nói ra được khuyết điểm của mình. Đó là một cơ hội để bản thân cố gắng nhiều hơn nữa. Một người khởi nghiệp cần phải biết lắng nghe những gì người khác nói. Nhưng điều quan trọng nhất là phải tin vào chính mình.
5. Cọ xát với thực tế
Việc học ở Việt Nam không khuyến khích đầu tư thời gian vào công việc bên ngoài trường học. Tuy nhiên du học có thể coi như một môi trường giả lập trước khi bước vào sự nghiệp. Bạn có thể sử dụng việc học tập trên trường như một phép thử. Chẳng hạn kinh doanh nhỏ, tham gia dự án, tìm lời giải cho một tình huống thực tế…
Anh Hồ Quang Khánh, CEO Vật giá đã làm việc cho quỹ đầu tư Mekong Capital chia sẻ rằng ngoài việc áp dụng được một phần kiến thức trên trường vào công việc, Khánh còn học được cách tổ chức công việc và kỹ năng quản lý đánh giá nhân viên: “Khi tuyển một nhân viên thì người đó phải nhìn thấy được mục tiêu chung của công ty để làm việc.
Trong một công ty thì xu hướng “co cụm” cũng dễ xảy ra, sẽ có tình trạng so sánh phòng ban nọ hơn phòng ban kia. Là người lãnh đạo thì phải luôn hướng họ về một mục tiêu chung của công ty. Không nên đổ tại người Việt như thế này hay thế khác, mà ăn thua là ở cách tổ chức để giúp họ làm tốt nhất”. Chắc chắn những kĩ năng sống còn này đã giúp anh đưa Vật giá phát triển như bây giờ.
Bất kể đi đu học hay học trong nước đều có những lợi thế nhất định, nhưng bạn cần biết trường đại học chỉ là nơi cung cấp những kĩ năng cơ bản cho sự nghiệp sau này. Kiến thức học tập trên trường ngày nay có thể tìm kiếm đầy rẫy trên Internet hay sách báo. Thậm chí bạn có thể mua giáo trình nước ngoài về tự học trên Amazon. Vì vậy điểm mấu chốt là học được cách biến những thứ chưa biết thành đã biết, cách thay đổi và thích nghi cho phù hợp với môi trường làm việc. Vì vậy học ở đâu không quan trọng bằng việc bạn đã học được gì và áp dụng như thế nào.